Cây chuông vàng thường bị nhầm lẫn với các cây khác cùng họ như: Sò đo cam (hoa màu đỏ cam, tên khoa học là Spathodea campanulata đây là loài cây thân gỗ dại trong rừng) và cây huỳnh liên (tên khoa học là Tecoma stans). Bởi cấu tạo và màu sắc của hoa giống nhau, tuy nhiên chúng cũng có những điểm khác biệt nhất định, cùng tìm hiểu thông tin về cây chuông vàng dưới đây nhé.
I. Giới thiệu về cây Chuông vàng
- Tên thường gọi: Cây chuông vàng
- Tên khoa học: Tabebuia argentea
- Họ thực vật: Cây thuộc họ Bignoniaceae (Núc nác)
- Nguồn gốc xuất xứ: Cây chuông vàng có nguồn gốc từ Châu Á
- Phân bố: Cây chuông vàng được du nhập vào Việt Nam cách đây khá lâu năm. Trước đây chỉ được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Hiện nay đã trồng lan rộng ra khắp cả nước bởi màu sắc hoa đẹp và phù hợp với nhiều điều kiện khí hậu.
- Tuổi thọ: Sống lâu năm
- Màu sắc của hoa: Hoa chuông vàng có màu vàng tươi rực rỡ
- Thời gian nở hoa: Hoa chuông vàng chủ yếu nở vào mùa hè
II. Đặc điểm của cây Chuông vàng
- Hình dáng bên ngoài: Chuông vàng là cây thân gỗ nhỡ thẳng đứng, tán rộng, vào mùa hoa nở có thể thấy những chùm hoa cong rủ xuống tạo tán cây tròn như chiếc ô rất đẹp mắt.
- Kích thước: Cây đạt chiều cao khoảng 8 – 10m, trong điều kiện tự nhiên thực bì dày nhiều dinh dưỡng cây có thể cao đến 20m, đường kính 50 – 50cm.
- Thân: Thân cây chuông vàng màu xám trắng, có nhiều vết lằn sọc trắng trên vỏ cây. Khi cây có tuổi thọ cao vỏ cây chuyển màu xám đen và xuất hiện nhiều vết nứt dọc.
- Cành: Cây chuông vàng thường phân chia nhiều cành nhánh, cành gốc thường to và dài hơn cành ngọn nhưng thường giòn và dễ gãy.
- Lá: Lá chuông vàng thuộc dạng lá kép chân vịt, trơn tru nhẵn bóng, có màu xanh bạc, mép lá nguyên. Lá thon dài khoảng 5 – 8cm, bề rộng chỉ khoảng 2 – 3cm thường mọc theo cụm ở đầu cành.
- Hoa: Đúng như tên gọi chuông vàng, hoa có hình chuông, màu vàng tươi sặc sỡ. Mỗi khi ra hoa, lá sẽ rụng dần đi và rụng hết hẳn khi hoa nở rộ để lại trên cây là sắc hoa vàng trông xa rất bắt mắt, mùa hoa nở kéo dài từ tháng 3-5.
III. Tác dụng của cây Chuông vàng
Cây Chuông Vàng có dáng vẻ bề ngoài đẹp mắt với tầng tán rộng, hoa vàng đẹp khoe sắc sặc sỡ dưới nắng hè. Cây được trồng chủ yếu để làm cảnh, trang trí ở những nơi như: Khuôn viên nhà, sân vườn biệt thự, quán cà phê… Tạo nên không gian đẹp và lãng mạn.
Ngoài ra, cây chuông vàng còn được trồng làm cây bóng mát ở ven những con đường phố, con đường hoa, khu đô thị, nhà máy, xí nghiệp… Giúp giảm tiếng ồn, làm thoáng mát và điều hòa không khí ở những nơi thường xuyên phát thải khí độc hại ra môi trường.
IV. Cách trồng và chăm sóc cây Chuông vàng
1. Cách trồng cây
Cây chuông vàng thường rất dễ trồng và chăm sóc, cây rất ưa sáng, sinh trưởng khá nhanh và ít bị sâu bệnh hại cây. Sau đây là một số kỹ thuật trồng và chăm sóc giúp cho cây sinh trưởng nhanh, ra hoa sớm và nở hoa đẹp.
- Nhân giống và thời vụ trồng
Cây chuông vàng được nhân giống bằng phương pháp gieo hạt, giâm cành và chiết cành. Đối với phương pháp gieo hạt, cây sinh trưởng chậm hơn, lâu ra hoa nên phương pháp giâm cành và chiết cành được áp dụng nhiều hơn.
Cây chuông vàng không phải là cây ăn quả nên không bắt buộc phải trồng theo thời vụ. Có thể trồng bất cứ mùa nào trong năm, đối với khí hậu miền Bắc chỉ cần trồng tránh những ngày nhiệt độ thấp dưới 15 độ C là cây có thể sống được.
- Đất trồng và cách trồng
Cây chuông vàng thường không kén chọn đất, có thể trồng được trên nhiều loại đất bị nhiễm mặn và nhiễm thuốc diệt cỏ. Để cây sinh trưởng tốt nhất nên trồng trên đất phù sa ngọt ven sông, kênh, rạch hoặc đất đen có thảm thực bì dày khoảng 5 – 10cm.
Hố trồng: Đào hố có kích thước khoảng 30 x 30 x 30cm, bón lót mỗi hố khoảng 0,5 – 1kg phân chuồng hoai mục (phân bò), nếu không có thể thay thế bằng phân vi sinh trước khi trồng.
Cách trồng: Đặt cây giống xuống hố đã ủ phân sẵn, bóp đất nhỏ tơi vùi và nén chặt xung quanh bầu cây. Sau đó cắm cọc cố định cây tránh gió làm đổ gãy cây con. Sau khi trồng tưới nước luôn cho cây giúp đất và bầu rễ luôn ẩm và mau bén rễ.
Thời gian thích hợp để trồng là vào sáng sớm hoặc chiều mát, nếu trồng vào ngày nắng cần có biện pháp che nắng cho cây non.
2. Cách chăm sóc cây
Tưới nước là rất cần thiết cho cây chuông vàng, cây con chỉ tưới với lượng nước nhỏ và mỗi ngày nên tưới khoảng 1 lần là đủ. Vào mùa đông ở miền Bắc khí hậu thường hanh khô thì nên tưới 2 lần mỗi ngày, duy trì tưới đến khi ra đợt chồi 2 và 3.
Khoảng 5 – 10 ngày sau khi trồng pha thuốc kích rễ hoặc phân vi lượng tưới vào gốc cây giúp rễ khỏe và nhanh nảy lộc. Tưới định kỳ 2 lần mỗi lần cách nhau khoảng 7 – 10 ngày.
Ngoài ra, có thể bón thêm các loại phân chuồng và phân vi sinh cho cây vào các thời kỳ chuẩn bị ra hoa để kích thích hoa to, bung cánh nở đều và màu sắc hoa sáng đẹp.
Cây chuông vàng nếu được chăm sóc tốt chỉ khoảng hai đến ba năm là đã bắt đầu ra hoa. Lúc này cần bón thêm các loại phân NPK cùng với khoáng vi lượng để hoa vàng đẹp rực rỡ.
Sau khi hết mùa hoa nên tỉa bỏ những cành tăm, bấm ngọn cành vượt để cây không quá cao và giúp kiểm soát sâu bệnh dễ dàng.
Cây chuông vàng cũng ít khi bị bệnh hại cây chủ yếu là các loại sâu ăn chồi non, sâu cuốn lá. Loại sâu này cũng khá dễ diệt, có thể bắt bằng tay hoặc nếu không kiểm soát được có thể dùng thuốc Monifos kèm Reasgant 3.6 pha theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì. Phun diệt sâu nên phun vào lúc sáng sớm và đêm tối vì lúc này sâu thường hoạt động nhất.
Trên đây là những thông tin chi tiết và cách trồng chăm sóc cây chuông vàng. Chỉ cần nắm vững những kỹ thuật này là bạn đã có thể sở hữu loại cây có sắc hoa vàng rực rỡ này rồi. Chúc bạn ươm được giống tốt và gặt hái được nhiều thành công!
Trả lời