Đa số những cây cảnh có kích thước thấp thường được lựa chọn dùng trang trí nội thất. Cây ngọc ngân cũng vậy, cây có vẻ đẹp riêng từ vẻ bề ngoài đến cả ý nghĩa tên gọi của cây, ngọc ngân là chỉ tiền bạc, ngọc ngà, châu báu. Đó là những thứ mà ai cũng muốn có được, do đó đặt chậu cây ở nơi đâu đều làm tăng thêm vẻ sang trọng cho nơi đó và thể hiện ước muốn của người trồng cây.
I. Tổng quan

II. Đặc điểm của cây ngọc ngân
- Hình dáng bên ngoài: có đặc điểm giống nhau là đều sống được trong môi trường thủy canh. Cây hầu như không có thân rõ rệt, đẻ nhánh nhiều.
- Kích thước: Cây chỉ cao khoảng 25 – 40cm.
- Lá: Lá cây hình bầu dục, bản rộng, chóp lá nhọn, lá dài khoảng 10 – 20cm, bề rộng khoảng 7 – 10cm. Lá ngọc ngân có viền lá màu xanh lục với những đốm, vệt màu trắng bạc chủ đạo chiếm 80% diện tích bề mặt lá tạo nên màu sắc rất lạ mắt và độc đáo. Lá có cuống to bè ra ôm vào nửa thân cây, cuống thường dai, mềm, có nhiều nước, khi bẻ có nhựa chảy ra và gây ngứa nhẹ.
- Hoa: Ít khi nhìn thấy hoa ngọc ngân, chỉ có cây già và kém chăm sóc mới nở hoa màu trắng..
III. Công dụng và ý nghĩa
1. ý nghĩa
Ngọc ngân là cái tên đã bao hàm hết ý nghĩa của cây, không chỉ nói riêng đến tiền bạc mà còn bao hàm cả mọi điều trong cuộc sống hàng ngày. Do đó trưng cây trong nhà mang đến sự hòa thuận, kính trên nhường dưới đối với mọi thành viên trong gia đình. Cùng với ước muốn tiền bạc rủng rỉnh đầy nhà, đường công danh của gia chủ luôn ổn định.
2. Công dụng
Cây ngọc ngân thủy sinh có tán lá đẹp, màu sắc nhã nhặn, bộ rễ trắng, dài uốn cong rất đẹp mắt. Thường được dùng cây để bàn trà, bàn làm việc, bàn học, trong phòng họp, lớp học…vừa lọc sạch, hút bụi bẩn trong không khí ở nơi đặt cây, tạo nhiều ôxy ở nơi phòng nhỏ, ẩm thấp vừa điểm tô cho căn phòng thêm sinh động.
Ngoài ra, cây ngọc ngân cũng thích hợp trang trí ở nơi có không gian chật hẹp, đông người qua lại như: Đại sảnh, hành lang của sân bay, bệnh viện, phòng làm việc chung của công nhân…giúp lọc sạch không khí, giảm ô nhiễm khói thuốc, giảm bớt tiếng ồn.
Bên cạnh đó, cây ngọc ngân cũng được trồng thành đường viền theo lối ra vào cổng nhà, cổng trường, vườn hoa hoặc trồng bồn, trồng điểm cho các gốc cây cổ thụ khác.
Chậu hoặc bình cây ngọc ngân cũng thường được dùng để làm quà tặng cho người thân, bạn bè hoặc cấp trên vào những dịp khai trương cửa hàng, thăng chức, sinh nhật…Để thay cho lời chúc may mắn, thành công, gặt hái được nhiều lợi nhuận.

IV. Cách trồng và chăm sóc
1. cách trồng cây
- Cách nhân giống
Cây ngọc ngân được nhân giống phương pháp tách bụi hoặc nhân giống bằng củ giống như cây phú quý, nhưng chủ yếu là dùng cách tách mầm cây sinh trưởng nhanh hơn.
- Đối với phương pháp trồng cây ngọc ngân thủy sinh
Chọn cây ngọc ngân khỏe mạnh, kích thước to vừa phải ở trong các bụi cây trong môi trường đất, dùng dao cắt bầu đất khoảng 2 – 3 nhánh cây, rửa sạch phần đất bám ở rễ cây. Cắt tỉa các sợi rễ già có màu đen và cắm vào bình thủy tinh có kích thước phù hợp với các nhánh cây. Nên dùng bình màu trắng, đổ nước sạch vào bình để lộ phần rễ trắng nhìn rất bắt mắt.
- Đối với phương pháp trồng cây ngọc ngân trong chậu đất
Chọn chậu sứ màu trắng hoặc màu đỏ khi trồng làm tôn lên vẻ đẹp nhã nhặn của lá ngọc ngân. Chọn chậu có đường kính khoảng 30 x 30cm có lỗ thoát nước ở đáy chậu, có đĩa đệm ở dưới đáy.
Đất trồng cây ngọc ngân cũng rất đơn giản, dùng đất thịt đảo đều với trấu khô và xơ dừa mục, nếu có phân chuồng hoai mục nữa càng tốt. Cho hỗn hợp này vào ⅓ chậu và đặt cây giống vào.
Cây ngọc ngân giống non hoặc già đều được, dùng dao cắt hoặc tay bửa lấy phần đất của cây giống ra rồi cho vào chậu cảnh. Vùi đất và ấn chặt xung quanh bầu rễ, lấp đất dưới miệng chậu khoảng 2 – 3cm, dùng sỏi hoặc đá cuội nhỏ màu đen hoặc trắng để trang trí miệng chậu để làm tôn lên vẻ đẹp của cây.
2. Cách chăm sóc cây ngọc ngân
- Đối với cây ngọc ngân thủy sinh
Thường xuyên thay nước bình cây ngọc ngân mỗi ngày, nếu thấy cây bị héo, rụng lá, rễ bị thâm đen có mùi hôi cần cắt bỏ rễ thâm đen và bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho cây. Loại phân thường dùng là các nguyên tố vi lượng dạng lỏng như: Flourish, Acid buffer, Nitrogen..cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cây sống được lâu dài trong môi trường nước.
Mỗi ngày đưa bình cây ngọc ngân ra đón nắng một lần, mỗi tuần ít nhất khoảng 4 lần để cây quang hợp tốt, khỏe mạnh hơn.
Nếu cây có tình trạng nặng hơn dù đã cố gắng khắc phục nhưng cây hồi phục kém thì vứt bỏ cây và tái sinh bằng bụi khác khỏe mạnh hơn.
- Đối với cây ngọc ngân trồng chậu đất
Sau khi trồng nên tưới nước luôn cho cây ngọc ngân nhưng chỉ tưới với lượng nước ít và tưới liên tục mỗi ngày.
Dù là cây thủy sinh hay cây trồng đất mỗi tuần đều phải đưa ra đón ánh nắng 3 -4 lần để cây hấp thụ ánh sáng tránh làm héo rũ cây.
Mùa đông lạnh có thể thắp đèn hoặc để cây ngọc ngân ở nơi gần bóng đèn để cây không bị ngừng sinh trưởng.
Mỗi năm thay đất ít nhất hai lần và cây đẻ nhánh nhiều cần tách bụi ra làm nhiều chậu để dễ chăm sóc.
Có thể dùng phân lân hạt tan chậm hoặc phân dưới dạng lỏng tưới cho cây ngọc ngân đều được, khoảng ba tháng mới tưới một lần. Hoặc mỗi năm bón một lần phân chuồng để cải tạo đất nếu không có đất để thay thường xuyên.
Cây ngọc ngân là cây ưa bóng nhưng cũng chịu nắng khá tốt do đó cây rất dễ thích nghi với ngoại cảnh, cây cũng rất dễ trồng và chăm sóc. Nếu đam mê cây cảnh, bạn hãy tự tay trồng cho mình bình cây nhé, ngắm cây cũng giúp tinh thần thoải mái hơn và giảm căng thẳng.
Trả lời