Từ nhiều năm nay các tỉnh vùng cao Đông Bắc nước ta đã chú trọng phát triển du lịch bằng việc trồng trải dài khắp các loại hoa Tam Giác Mạch từ sắc tím, trắng cho tới hồng. Vào những ngày hoa nở rộ, núi rừng nơi đây như thay một diện mạo mới đầy lộng lẫy, nhìn mỏng manh nhưng lại vô cùng mạnh mẽ để chiến đấu với thời tiết khắc nghiệt. Vẻ đẹp kì vĩ đến xao xuyến trong lòng, thu hút nhiều du khách hơn, mang đến nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào vùng núi cao.
I. Tìm hiểu về đặc điểm cây Hoa Tam Giác Mạch
Không chỉ là cây hoa thông thường mà cây Tam giác mạch còn là cây lương thực được đồng bào các tỉnh vùng núi phía Đông và Tây bắc Việt Nam như: Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang trồng để lấy hạt phục vụ cho đời sống hàng ngày.
Cây tam giác mạch là cây lương thực của đồng bào miền núi, được trồng lấy hạt làm thức ăn cho ngày trước hạt, ủ lên men nấu rượu, dùng làm thuốc gia truyền, thân cây dùng làm thức ăn gia súc.
Các địa phương trồng nhiều cây hoa tam giác mạch như: cực Bắc Lũng Cú, cao nguyên đá Đồng Văn, chợ tình Khâu Vai, con đường Hạnh Phúc, đèo Mã Pí Lèng, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Phố Cáo, Sủng Là, Ma Lé… Đây là những nơi thường xuyên thu hút lượng khách du lịch rất lớn.

II. Đặc điểm của cây tam giác mạch
- Hình dáng bên ngoài: Cây hoa tam giác mạch là cây thân thảo thuộc họ đậu (Fabaceae) mọc thẳng đứng, thân cây nhẵn màu lục hoặc đỏ, phân nhiều cành nhánh nhỏ.
- Kích thước: Cây cao trung bình từ 50 – 100cm.
- Lá: Lá cây tam giác mạch mọc so le, giống hình tam giác nhọn, gốc lá hình tim, chóp nhọn, mép nguyên, có cuống hai mặt lá nhẵn. Các lá ở trên ngọn nhỏ dần, hầu như không có cuống hoặc ôm lấy thân, bẹ lá chìa mỏng.
- Hoa: Chùm hoa mọc ra từ kẽ lá hoặc ở ngọn hoa hình xim, màu trắng hay hơi hồng phấn gồm 5 cánh hoa, có nhị 8 mọc xen kẽ, chùm hoa có cuống. Hoa thường nở vào mùa đông từ tháng 10 – 11.
- Quả: Quả giống hình quả đậu bế dài 6 – 8mm, hình bầu dục, ba góc nhọn, hơi vượt quá đài hoa, màu nâu đen, hạt có nội nhũ.
III. Tác dụng của cây Tam Giác Mạch
1. Tác dụng để trang trí, làm cảnh
Chính quyền địa phương đã hỗ trợ giống hoa, phân bón miễn phí để người dân trồng xung quanh nhà vừa tạo cảnh đẹp, vừa là sản phẩm du lịch độc đáo cho du khách gần xa đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.
Hoa của cây tam tác mạch nở từ tháng 10 đến cuối tháng 11 âm lịch hàng năm. Vào thời điểm hoa nở rộ, những cánh đồng bạt ngàn sắc hồng đã thu hút du khách thập phương đến chiêm ngưỡng và là địa điểm chụp ảnh, check-in lý tưởng cho những ai có niềm đam mê nhiếp ảnh.
Loài hoa tam giác mạch được phủ kín khắp các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang nhưng đẹp đẽ và hùng vĩ nhất vẫn là Hà Giang. Với những đồi hoa ở Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Xín Mần. Thời điểm hoa tam giác mạch nở rộ là từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11. Tuy nhiên, có những năm từ giữa tháng 9 hoa đã bắt đầu lốm đốm trắng. Vào cuối mùa, hoa sẽ tàn dần và không còn đẹp nữa.
Màu sắc của hoa tam giác mạch là điểm đặc biệt ở đây, chúng thay đổi theo thời gian. Khi mới nở, hoa có màu trắng tinh khôi, sau đó chuyển sang màu hồng nhạt pha chút tím và cuối cùng là màu đỏ sậm vươn mình đón nắng. Màu hoa hòa cùng màu nắng tạo nên bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống.
Giữa những hốc đá khô cằn, sự nhẹ nhàng đến bất ngờ của một loài hoa mỏng manh mang vẻ đẹp dịu dàng khiến du khách phương xa cảm thấy ấm lòng. Đôi khi hoa mọc ở sườn đồi, ruộng bậc thang; đôi khi nó trồi lên mạnh mẽ từ tảng đá hình tai mèo sắc nhọn hoặc ló ra từ hiên nhà.
Dọc đường từ Xín Mần đến Hoàng Su Phì, lên Lũng Cú hay dưới chân đèo Mã Pì Lèng, du khách đã không ít lần bị vẻ đẹp thuần khiết của hoa hớp hồn khi chúng vươn mình đón nắng mai.
Trên tuyến đường Hạnh Phúc (Quốc lộ 4C) bạn sẽ bắt gặp đông đảo đội ngũ nhiếp ảnh gia, dân phượt đổ về như trẩy hội. Có cả những cặp vợ chồng sắp cưới mang cả ê kíp lên để thực hiện một bộ ảnh để đời.

2. Tác dụng trong ẩm thực
Tam giác mạch vừa đẹp vừa hữu ích trong đời sống của người dân trên cao nguyên đá. Bởi vậy, loài hoa này được các dân tộc sinh sống trên vùng núi cao trồng như những mùa vụ trồng ngô, trồng lúa nhưng năng suất lại thấp hơn. Một sào ruộng có thể thu hoạch được hơn 20 kg hạt nên diện tích không được mở rộng nhiều.
Ngoài món Mèn mén làm từ bột ngô, giờ đây đồng bào các dân tộc nơi đây đã biết dùng hạt của hoa tam giác mạch để làm bánh rán hoặc nấu ăn thay cơm, trong cái khó, người ta luôn nghĩ ra được những điều thú vị mà lại hữu ích vô cùng.
Hạt tam giác phơi khô, nấu chín dùng trộn với ngô và men từ lá cây để nấu rượu, tạo nên hương vị thơm ngon, rượu Cóc Pài đặc trưng của Hà Giang nổi tiếng và vì vậy.
Ngoài ra, bột xay từ hạt tam giác mạch còn được chế biến thành món cháo ngon bổ và mát lành rất tốt cho cơ thể mà không lo béo.
Lá và ngọn non của cây thường được người dân hái về chế biến như một loại rau ăn hàng ngày, có thể xào hoặc luộc tùy theo sở thích của mỗi người. Khi ăn có vị hơi ngái nhưng ăn xong lại ngọt và thơm, nếu ai đã ăn thử một lần chắc chắn sẽ nhớ mãi hương vị của loại rau đặc biệt này
IV. Cách trồng và chăm sóc cây Tam Giác Mạch
1. Cách trồng cây
- Chuẩn bị hạt giống
Hoa tam giác mạch là cây hoa rất dễ trồng bởi vì chúng mọc và sinh sống ở điều kiện miền núi khắc nghiệt
Nên ngâm hạt trong nước ấm qua đêm hoặc ít nhất 2 giờ trước khi gieo hạt giống hoa. Sau đó lấy khăn giấy ra ngâm nước lạnh ủ 2 ngày để hạt nứt nanh rồi đem trồng vào cát ẩm, hàng ngày tưới nước vo gạo.
Đối với vùng đồi núi sau khi ươm hạt mọc mầm hỉ cần gieo, vãi ra đồi là xong, nhưng đối với cách gieo làm cây cảnh trong nhà phải gieo trong chậu hoặc bãi đất trống.
Sau khi gieo hạt, để dụng cụ gieo ở nơi thoáng mát nhưng vẫn đảm bảo nhận được đủ ánh sáng thì chúng sẽ phát triển nhanh chóng và cứng cáp hơn.
Thời điểm gieo hạt giống là từ tháng 6 âm lịch, lúc này các yếu tố về độ ẩm và ánh sáng cần hết sức quan tâm để tạo điều kiện cho cây phát triển và cây sẽ ra hoa trong khoảng từ 4 đến 8 tuần sau đó.
- Đất trồng
Tốt nhất là đất thoát nước tốt, nhiều dinh dưỡng, dễ hút ẩm. Đất được làm sạch cỏ dại, lên luống, loại bỏ mầm mống sâu bệnh. Sau đó băm nhỏ đất và tưới nước cho đất tơi xốp.
2. Cách chăm sóc
Nên tưới nước hàng ngày giữ ẩm cho đất để cho hoa phát triển tốt. Sáng sớm là lúc thích hợp để cây hấp thụ được đầy đủ nhất sau một đêm dài chờ đợi nguồn nước mát mẻ. Hoa sẽ héo và nhanh chết nếu tưới vào lúc nắng gắt.
Sau khi gieo trồng khoảng 7 – 10 ngày, dùng các loại phân bón rễ hữu cơ tưới cho luống đất gieo hoặc trồng cây tam giác mạch để kích thích sự phát triển của hạt và cây con. Nên bón phân chuồng ủ mục là tốt nhất, không nên dùng phân đạm bởi làm cây nhanh tốt, mềm cây và cũng nhanh héo rũ khi nắng gắt.
Nếu có dịp lên Đông Bắc mùa này, bạn đừng bỏ qua cơ hội chụp những tấm ảnh ấn tượng cùng loài hoa độc đáo này nhé, để yêu quý từng tấc đất quê hương, để cảm nhận Tổ quốc mình tươi đẹp biết bao!
Trả lời